Tennis được xem là một trong những môn thể thao rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Việc tập luyện bộ môn này đem đến nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên nếu không may gặp phải các chấn thương khi chơi tennis mà không biết cách xử lý đúng hướng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm sau này. Chính vì thế trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn 4 chấn thương thường gặp khi chơi tennis và một số cách xử lý nhanh, đúng cách, đảm bảo an toàn nhất.
Chấn thương tay
Chấn thương tay: chấn thương này rất hay gặp phải ở người chơi tennis với tỉ lệ rất cao(khoảng từ 10 – 50% người chơi mắc phải).
Biểu hiện: đau khi duỗi thẳng cổ tay và bàn tay, đau khi nâng vật nặng, đau khi nắm chặt tay lại hay lắc tay. Thỉnh thoảng sẽ bị đau nhói từ khuỷu xuống cẳng tay hay lên phần trên cánh tay. Khi gặp phải chấn thương ở tay thì lúc đầu chơi thì đau, không chơi thì hết đau. Nếu vẫn cố chơi mà không chịu chữa trị thì có thể dẫn đến việc bị đau cả trong lúc nghỉ ngơi.
Bản chất: Đây là tình trạng viêm hoặc rách gân cơ duỗi tại chỗ bám vào xương lồi cầu phía ngoài khuỷu tay, rách và viêm một số sợi cơ dọc theo cẳng tay và cánh tay.
Sơ cứu: Nên ngừng chơi ngay, đồng thời chườm lạnh tại chỗ. Hoặc có thể dùng băng ép quấn hơi chặt và sau đó lỏng dần trên vùng bị tổn thương. Trong quá trình hồi phục nếu có điều kiện chiếu tia hồng ngoại tại vùng cơ bị chấn thương. Và mang băng tay khớp khuỷu để trợ lực cho khuỷu và tránh căng các nhóm cơ xung quanh. Nếu bị đau nặng thì nên cần đến sự chăm sóc của bác sỹ.

Chấn thương vai
Biểu hiện: Đau nhóm cơ bao quanh khớp vai, khi đưa tay lên thực hiện quả giao bóng; hoặc quả đập bóng trên cao rất khó khăn.
Bản chất: Đây là chấn thương cấp tính do giãn, rách dây chằng bao khớp, viêm hoặc rách gân cơ xoay, đặc biệt cơ trên gai (cơ chủ lực trong động tác dang và xoay ngoài khớp vai).
Sơ cứu: Nên ngừng chơi ngay, đồng thời nên chườm đá vùng vai đau trong khoảng 15 phút. Nếu có điều kiện thì nên chiếu tia hồng ngoại tại vùng cơ bị chấn thương và tập các bài tập. Điều này giúp kéo giãn các nhóm cơ vùng vai; hoặc vận động nhẹ nhàng các động tác khớp vai mà không gây đau. Nếu bị đau nặng thì nên đến các bác sỹ chuyên khoa để chữa trị.
Chấn thương chân
Biểu hiện: Đau khớp gối và cổ chân, vận động đi lại sẽ rất khó khăn; đôi khi có thể còn gặp hiện tượng đau 1/3 bắp chân phía trên.
Bản chất: Đây là chấn thương do rách sụn nêm, giãn cơ, đứt dây chằng vùng gối, bong gân; hoặc thoái hóa sụn khớp cổ chân và nhóm cơ ở cẳng chân bị giãn hoặc rách.
Sơ cứu: Dừng ngay hoạt động và chườm nước đá vào chỗ đau, không nên xoa bóp vùng cơ bị đau. Tiếp tục xử lý bằng cách dùng băng ép quấn vào vùng cơ, khớp bị đau. Nếu có điều kiện hãy chiếu tia hồng ngoại tại vùng cơ bị chấn thương. Bạn nên hạn chế các hoạt động của chân khi dùng lực mạnh và kéo dài thời gian. Nếu bị đau nặng thì cần sự chăm sóc của bác sỹ chuyên khoa.

Chấn thương bắp chân và gân gót chân
Nguyên nhân cơ bản thường gặp ở cả chấn thương cơ bắp chân và gân gót chân là do đơn vị cơ gân gót chân bị bó chặt. Bộ phận cơ gân này bắt chéo đầu gối và mắt cá chân. Áp lực đột ngột do đẩy chân ra trong khi chân duỗi ra hoàn toàn là nguyên nhân thường gặp của chấn thương.
Liên quan đến tình trạng viêm gân gót chân do hoạt động quá sức. Để điều trị viêm gân gót chân, hãy giảm thời gian chơi, uống thuốc chống viêm. Sử dụng giày nâng gót của bạn và siêng năng duỗi thẳng cơ bắp bằng chân.
Gân gót chân bị đứt nặng hơn là viêm gân. Bạn có thể cảm thấy bắp chân đột ngột bị giật, như thể bị ai đó đá vào mu bàn chân. Đây không phải là một chấn thương đặc biệt đau đớn và một cầu thủ có thể bỏ lơ vì nghĩ rằng chấn thương không nghiêm trọng như thực tế.
Hầu hết các chấn thương khi chơi tennis đều không quá nặng. Nhưng nó lại dễ kéo dài dai dẳng khiến cho việc tập luyện hoặc chơi tennis bị ảnh hưởng. Bạn nên lưu ý rằng các chấn thương ở tay và vai nếu không được chữa trị cẩn thận có thể sẽ dẫn đến các bệnh mãn tính tại các vị trí đó. Những người yêu thích môn quần vợt cũng nên nhớ rằng trong quá trình chữa trị thì không nên cố chơi. Đôi khi phải dừng hẳn việc chơi tennis để chữa dứt điểm sau đó mới tiếp tục chơi lại.